TRỰC TIẾP: Hành khúc học sinh Thủ đô | Chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội
9 Tháng Mười Một, 2024 8:57 chiều
Dạy học sinh khiếm thị
Tôi không ngờ trong đời dạy học của mình lại có cơ may được dạy các em học sinh khiếm thị. Năm ấy, đang trong thời kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Một hôm tôi được tiếp hai bác đưa con đến trường xin vào học. Điều bất ngờ với tôi đó là hai em học sinh khiếm thị. Các em vừa học xong lớp 9 ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nay đến xin tôi được vào học lớp 10 tại trường THPT Trần Nhân Tông. Tôi lại càng bất ngờ khi thấy các em có phiếu báo kết quả điểm thi vào 10 đều đạt điểm chuẩn vào trường tôi.
Về lý tôi không có quyền từ chối, về tình tôi càng không cho phép mình từ chối. Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Nhìn các em ngồi nép vào bố mẹ như có phần sợ sệt, tôi thấy hơi cay cay nơi sống mũi. Tôi càng thấy sự cảm thông với những người làm bố, làm mẹ không may mắn. Nhưng nếu nhận các em vào học thì vấn đề dạy chữ cho các em thế nào đây, còn bao nhiêu các vấn đề khác nữa mình chưa lường hết được. Thời gian và những tình cảm trong tôi không cho tôi suy nghĩ lâu. Tôi quyết định nhận các em vào học. Sau này bình tĩnh lại tôi thấy mình hơi liều. Vì trường chúng tôi làm sao có thể dạy được chữ nổi cho các em. Hai hôm sau, chắc là do các vị phụ huynh về nói chuyện, lại có hai bác nữa cũng có con như trường hợp các em hôm trước đưa con đến xin vào học. Tôi nhận tất.
Năm sau lại có ba phụ huynh có con khiếm thị đến xin vào học, chúng tôi nhận tiếp. Thế là sau hai năm trường tôi có bảy em học sinh khiếm thị xin vào học. Có giáo viên đã nói đùa là chúng tôi sắp thành trường Nguyễn Đình Chiểu.
Nhận xong rồi mới thấy có bao vấn đề đặt ra. Phân lớp như thế nào, phân công giáo viên, kiểm tra, chấm bài của các em ra sao… Lúc đầu tôi định sẽ đưa các em khiếm thị vào một lớp cho dễ quản lý. Được vài hôm tôi nhận ra không thể được. Tôi chia về mỗi lớp một em, ý tưởng là sự khó khăn sẽ chia đều, mỗi giáo viên cùng gánh vác. Mọi việc tạm ổn. Nhưng việc chấm bài kiểm tra thì gần như bế tắc. Các em viết chữ Brai, chữ của người khiếm thị, giáo viên không đọc được. Sau bao đêm suy nghĩ, tìm tòi, tôi nghĩ ra một cách tiếp cận bài kiểm tra của các em. Đó là, khi chấm bài cho các em, chúng tôi yêu cầu em này đọc bài của em kia cho thầy cô nghe, sau khi nghe, nếu có chỗ nào chưa rõ, giáo viên hỏi lại học sinh, thế là giáo viên có thể cho điểm bài kiểm tra của học sinh một cách khách quan và chính xác. Bằng cách làm đó, qua hai khóa học, chúng tôi đã dạy được bảy em học sinh khiếm thị học hết chương trình phổ thông. Thấy có em đạt điểm 10 một số bài kiểm tra, tôi hỏi các giáo viên chấm những bài đó, thầy cô có nâng đỡ các em không. Các thầy cô giáo khẳng định đó là các điểm 10 hoàn toàn xứng đáng. Sau này nhiều em đỗ vào các trường đại học, ra trường tìm được việc làm, đỡ khó khăn cho gia đình và xã hội.
Mấy năm các em khiếm thị theo học tại trường, chúng tôi có điều kiện gần gũi và hiểu các em hơn. Các em là những tấm gương về sự cần cù, chăm chỉ, là tấm gương về đạo đức sống đầy nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đa số các em là con của những gia đình khó khăn, ra Hà Nội trọ học, sinh hoạt rất thiếu thốn. Vì thế hàng năm, vào các đợt sơ kết, tổng kết, các dịp lễ tết, nhà trường thường tặng cho các em những món quà vật chất thiết thực như sách vở, quần áo đồng phục, túi quà tết như hộp mứt, bánh kẹo, cân đường, gói mỳ chính. Các em rất cảm động trước sự quan tâm của nhà trường, càng chăm chỉ học tập hơn.
Trong một lần nhà trường đón đoàn đại biểu nhân đạo của nhân dân Mỹ sang thăm Việt Nam, mấy vị khách rất khâm phục trước ý tưởng sáng tạo của nhà trường về việc chấm bài cho học sinh khiếm thị. Họ hỏi tôi vì sao lại nghĩ ra được cách chấm bài đó. Tôi trả lời do con tim mách bảo. Họ cười và rút tất cả số tiền trong túi mấy người đi trong đoàn ra tặng cho các em, được hơn một nghìn đô la Mỹ, tôi đổi ra tiền Việt, chia đều cho từng em. Món quà không lớn nhưng thật ý nghĩa và hình như cũng là phần thưởng cho tất cả chúng tôi.
Câu chuyện đã qua lâu rồi nhưng nó cứ đọng mãi trong tôi như một kỷ niệm đẹp nhất trong đời dạy học. Vì nếu không có cơ duyên ấy thì tôi không bao giờ có được những ngày trực tiếp dạy các em học sinh khiếm thị. Những ngày ấy làm hoàn thiện con người tôi, làm phong phú hơn tâm hồn tôi, cho tôi thêm bài học nhân sinh trong cuộc sống. Sống phải có lòng nhân ái. Lòng nhân ái là cái gốc của con người. Lòng nhân ái giúp con người vượt qua mọi rào cản và có thể làm được bao điều tốt lành cho cuộc đời. Là nhà giáo càng cần có lòng nhân ái cao cả.
Bồi dưỡng học sinh yếu kém
Sau ba năm học, hơn 1000 học sinh của trường THPT Trần Nhân Tông chúng tôi năm nào giờ đã bước vào năm cuối cấp. Số học sinh đông, cơ sở vật chất của nhà trường khó khăn, chất lượng đầu ra khó có thể bảo đảm chất lượng như mong muốn. Kết thúc học kỳ I, tôi được các thầy cô chủ nhiệm báo cáo còn một số em khó có thể thi tốt nghiệp. Dự báo tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có thể đạt 90 đến 95%.
Thời gian đến kỳ thi còn hơn bốn tháng nữa, đành bó tay nhìn các em trượt tốt nghiệp hay phải làm gì. Câu hỏi đặt ra cho tất cả Hội đồng sư phạm chúng tôi. Nghị quyết của Hội đồng chỉ rõ, bằng mọi sự nỗ lực, bằng tất cả các biện pháp có thể, quyết tâm không để một học sinh trượt tốt nghiệp.
Có nghị quyết, có quyết tâm nhưng cần một biện pháp đúng. Đầu tiên nhà trường mời hội cha mẹ học sinh vào cuộc, tiến hành tổ chức các cuộc kiểm tra chất lượng đánh giá khả năng làm bài thi của từng em. Tập trung vào khoảng trên dưới 50 em kém nhất để báo cáo tới từng gia đình. Nhà trường tổ chức cuộc họp với cha mẹ cùng những học sinh yếu kém, thông báo khả năng dự thi của các em, nghe tâm tư nguyện vọng của các em, nghe ý kiến của cha mẹ học sinh. Không một em nào, bậc cha mẹ nào muốn con em mình trượt. Sau đó thể hiện quyết tâm thi đỗ 100% của nhà trường. Hội nghị được cha mẹ học sinh và các em học sinh hưởng ứng nhiệt liệt. Chúng tôi quy định trách nhiệm của từng gia đình về việc quản lý và tạo điều kiện cho các em học tập ở nhà. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý giờ học và bài vở của các em trên lớp đồng thời yêu cầu các em diện yếu kém sẽ phải học bồi dưỡng kiến thức thêm ba buổi chiều và ngày chủ nhật. Thầy Đoàn Văn Vinh, một giáo viên chủ nhiệm giỏi được cử phụ trách lớp. Thầy nói đùa với tôi đây là lớp @. Giáo viên dạy không lấy thù lao. Yêu cầu mỗi buổi học có một vị đại diện phụ huynh đến cùng giáo viên quản lý lớp.
Kết quả thật bất ngờ, sự có mặt của phụ huynh đã làm cho học sinh chuyển biến, các em chăm chỉ hơn, chịu khó hơn, kỷ luật hơn. Sau mỗi buổi học, kết quả được thông báo tới từng gia đình. Sự tiến bộ của các em đã làm nức lòng cha mẹ các em. Có một phụ huynh nói với tôi, vì lo việc học của con, để có thể tham gia quản lý lớp, bác ấy phải bỏ cả công việc hàng ngày để tới trường. Bác ấy nói, tôi có đi làm bao nhiêu tiền mà con tôi trượt tốt nghiệp thì cũng không để làm gì. Năm ấy trường chúng tôi thi đỗ 100%, một kết quả xứng đáng cho những cố gắng không mệt mỏi của cả nhà trường, gia đình và học sinh.
Sau kỳ thi đó chúng tôi rút ra một điều quan trọng là không có học sinh dốt, chỉ sợ học sinh không chịu học. Không thể nhìn thấy học sinh trượt mà bó tay. Là người thầy, chúng ta phải hết lòng vì học sinh thân yêu. Vấn đề là chúng ta tổ chức như thế nào, huy động các lực lượng vào cuộc như thế nào để thu được kết quả tốt nhất. Kết quả thi tốt nghiệp hàng năm, kết quả giáo dục của nhà trường là công sức của giáo viên và là trình độ tổ chức của Hội đồng sư phạm ngôi trường ấy./.
Tác giả: NGƯT.TS Nguyễn Thanh SơnNguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 4/2019
Ngày 21 Tháng Tư, 2019 9:10 chiều